Nửa đầu những năm 2000, các cơ quan báo chí Việt Nam đã có những bước mở rộng sang hình thức trực tuyến để bắt kịp thời đại. Khi đó, các đơn vị báo in truyền thống dần phát triển phiên bản điện tử để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc khi việc truy cập internet dần trở nên phổ biến hơn.
Sau tòa soạn hội tụ, các cơ quan báo chí hướng đến ứng dụng các tiến bộ AI
Song hành việc mở rộng trên nền tảng internet, từ đó đến nay, báo chí Việt Nam không ngừng hoàn thiện mô hình truyền thông đa phương tiện và thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số bằng cách đa dạng hóa hình thức sản phẩm như: podcast, video, megastory, infographic, long form, báo chí dữ liệu... Nổi bật, kênh YouTube của Báo Thanh Niên đến nay đạt gần 6 triệu lượt đăng ký theo dõi.
Đồng thời, báo chí Việt Nam cũng đã mở rộng các kênh mạng xã hội để tăng cường tương tác với bạn đọc. Hầu hết các cơ quan báo chí tại Việt Nam hiện đều có tài khoản trên mạng xã hội và fanpage của nhiều đơn vị trong số đó có lượng theo dõi cực lớn, điển hình fanpage Facebook của Báo Thanh Niên có hơn 2,2 triệu người theo dõi. Từ đó, mạng xã hội cũng trở thành kênh truyền thông đầy hiệu quả cho các cơ quan báo chí.
Không chỉ đa dạng hóa hình thức và sản phẩm, báo chí còn phải chuyển đổi số mạnh mẽ trong việc tổ chức vận hành, đặc biệt là tổ chức tòa soạn hội tụ nhằm tối đa hóa nguồn lực cho tất cả các kênh truyền thông: báo in, báo trực tuyến, mạng xã hội... Nhiều tòa soạn đã ứng dụng công nghệ số để thay đổi phương thức vận hành bao gồm quản trị quy trình xuất bản, quản trị dữ liệu, quản trị tương tác công chúng. Trong đó, hệ thống quản lý và vận hành nội dung liên tục được nâng cấp, từng bước tích hợp các tiến bộ công nghệ mới cho phép hội tụ bộ máy phóng viên, biên tập viên có thể xử lý cùng lúc nhiều nội dung đa phương tiện.
Tuy nhiên, một thực tế khác cũng đặt ra là nhiều đơn vị nói chung, bao gồm cả các doanh nghiệp chứ không chỉ cơ quan báo chí, quá tập trung vào các sản phẩm, nội dung đa phương tiện mà thiếu sự tổ chức mang tính hệ thống dựa trên nền tảng số tương thích.
Thách thức từ trí tuệ nhân tạoQuá trình chuyển đổi số không ngừng phát triển. Chưa đầy 2 năm qua, trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển bùng nổ toàn cầu. Khác với internet ngày trước, AI sớm hiện diện ở Việt Nam với nhiều tiến bộ vượt bậc, đặc biệt là AI tạo sinh: sáng tạo nội dung, hình ảnh, video…
Tự bản thân một sản phẩm AI tạo sinh khó có thể trở thành một sản phẩm báo chí nếu thiếu đi sự chuẩn hóa của những người làm báo chuyên nghiệp.
Những bước tiến của AI tạo sinh có thể dựa trên các thông tin, dữ liệu được thu thập để viết nên các nội dung từ truyện, kịch bản, bài báo… Thậm chí, một số cơ quan truyền thông đã thử nghiệm viết bài, tạo hình ảnh minh họa bằng AI. Báo Thanh Niên cũng đã thử nghiệm như vậy cho hình ảnh minh họa và thử xuất bản bài báo được thực hiện bởi AI.
Những tiến bộ đó khiến không ít người đặt câu hỏi: Liệu AI có thể thay thế người làm báo? Nhưng thực tế thử nghiệm sẽ không khó để có câu trả lời rằng: AI không thể hoặc chưa thể thay thế con người để làm báo! Các sản phẩm AI tạo sinh vẫn còn rất giới hạn.
Tại sao trả lời như vậy? Trước hết, về tính xác thực, một sản phẩm báo chí luôn phải cẩn trọng kiểm tra, đánh giá tính xác thực đối với từng chi tiết của dữ liệu, thông tin. Kèm theo đó, sản phẩm báo chí luôn cần tuân thủ những nguyên tắc về nghiệp vụ, quy định pháp luật, điển hình như ghi nhận đầy đủ thông tin từ các bên liên quan dựa trên một mạng lưới kết nối các nguồn thông tin.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia công nghệ hàng đầu thế giới đã nhiều lần lên tiếng lo ngại về tính xác thực từ các sản phẩm của AI tạo sinh. Ngay từ nguồn nội dung, dữ liệu, thông tin đầu vào không thực sự trải qua đầy đủ các bước thẩm định. Chính vì thế, tự bản thân một sản phẩm AI tạo sinh khó có thể trở thành một sản phẩm báo chí nếu thiếu đi sự chuẩn hóa của những người làm báo chuyên nghiệp.
Bản thân người viết cũng đã có thời gian không ngắn thử nghiệm điều đó. AI thông minh hơn thì vẫn dựa trên "máy học", "học sâu" do chính con người "dạy".
Tương tự, hình ảnh hay video từ AI tạo sinh cũng chỉ có thể dùng để minh họa ở mức độ giới hạn. Còn với các hình ảnh, video mang tính thời sự, phản ánh thực tế thì yêu cầu tiên quyết là tính chính xác, nên các sản phẩm AI tạo sinh thực tế không có giá trị cho những trường hợp như vậy.
Ngược lại, dù có nhiều lỗ hổng về tính chính xác, nhưng sự bùng nổ của các sản phẩm AI tạo sinh đang đòi hỏi báo chí phải đối mặt với dòng chảy thông tin lớn hơn và nhanh hơn với rất nhiều tin giả. Điều đó đồng thời cũng khiến chính các cơ quan báo chí phải tăng cường việc kiểm soát thông tin, dữ liệu.
Tuy nhiên, dù không thể hay chưa thể thay thế người làm báo thì AI vẫn hàm chứa tiềm năng không nhỏ để hỗ trợ người làm báo. Điển hình là việc hỗ trợ tổng hợp dữ liệu, thông tin hay đề xuất một số giải pháp để khơi gợi thêm cho con người. Đây chính là cơ hội để các cơ quan báo chí nâng tầm hiệu quả trong công việc.
Nhưng cơ hội này cần có những bước chuẩn bị đầy đủ về cả hạ tầng công nghệ lẫn nguồn nhân lực. Về hạ tầng công nghệ, không chỉ yêu cầu các trang bị, phương tiện mạnh mẽ, có hiệu quả vận hành lớn hơn, mà còn phải đảm bảo về mặt an ninh thông tin. Về nguồn nhân lực thì không chỉ có đội ngũ nhân lực am hiểu về công nghệ để phát triển các ứng dụng AI, mà còn phải trang bị kiến thức để những người làm báo có thể khai thác hiệu quả các ứng dụng.
Ví dụ, AI dù thông minh nhưng để tạo ra một bức ảnh hay thực hiện một tác vụ hỗ trợ tổng hợp thông tin, người sử dụng cần có kiến thức để đưa ra những câu lệnh phù hợp cho ứng dụng. Ngay từ những ứng dụng AI tạo sinh cơ bản, người sử dụng muốn khai thác hiệu quả thì phải có kiến thức về "prompt engineering" để ứng dụng AI có thể hiểu được mong muốn của người sử dụng. Nói dễ hiểu thì phải học cách để "ra lệnh" cho AI làm việc.
Tất cả đòi hỏi một sự cải tiến toàn diện cả về công nghệ, tổ chức và nguồn lực phù hợp với kỷ nguyên AI để có thể tối ưu hóa hiệu quả từ làn sóng này.
Báo Thanh Niên đã ứng dụng AI để thử nghiệm một số hình ảnh bìa báo và hình minh họa